Để hiểu về hình tượng hạc thờ này ta cần hiểu điển tích này như sau:

Hạc là loài đứng đầu trong họ lông vũ, còn gọi là ‘nhất phẩm điểu’ có tính người quân tử, thanh cao. Vì vậy hạc được đặt trên bàn thờ ngụ ý tới phẩm chất cao quý, mạnh mẽ đối đầu với khó khăn, mang lại may mắn và ấm êm. Ngoài ra trong truyền thuyết hạc là chim tiên sống rất thọ, trong cuốn “Tướng hạc kinh” đã gọi hạc là ” thọ bất khả lượng” (sống lâu không thể tính) hay “hạc thọ thiên tuế” (hạc sống nghìn năm). Vì thế người đời sau dùng hạc để chúc phúc trường thọ.

Rùa là loài có tuổi thọ rất cao còn gọi là cụ rùa, thần rùa. Rùa có thân hình chắc chắn cộng với khả năng sống lâu cho nên được ví như biểu tượng của sự trường tồn. Bên cạnh đó, rùa là loài vật ăn ít, có khả năng nhịn đói tốt nên được coi là thoát tục.

Hạc bay lượn trên trời biểu tượng cho trời cho dương, Rùa bò dưới đất biểu tượng cho đất cho âm do vậy Hạc đứng trên mai rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm – dương. Biểu thị cho khát vọng trường tồn, biểu tượng của may mắn.